QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ VIỆC KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ VÀ CẤP CHỨNG CHỈ
CHO CÁC CẤP ĐỘ NGOẠI NGỮ KHÔNG CHUYÊN
(Kèm theo Quyết định số: 920/QĐ-ĐHNN do Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế ký ngày 15 tháng 11 năm 2013)
Điều 1. Điểm các cấp độ A1, A2, B1 bao gồm điểm quá trình (ĐQT) và điểm thi hết cấp độ (HCĐ).
Điều 2. ĐQT là một trong những điều kiện để sinh viên dự thi HCĐ. Những sinh viên có ĐQT của cấp độ nào dưới 50 điểm sẽ không được tham dự kỳ thi HCĐ đó. Kết quả ĐQT không tính vào trong kết quả thi HCĐ.
1. ĐQT bao gồm điểm chuyên cần – hệ số 1, điểm tự học – hệ số 2 và điểm kiểm tra giữa kỳ - hệ số 2. Cả 3 điểm thành phần này đều cho theo thang điểm 100, nhân với hệ số rồi chia cho 5. ĐQT là 1 con điểm tính theo thang điểm 100. Làm tròn đến phần nguyên. Sau khi kết thúc học phần, giáo viên công bố công khai điểm quá trình trên lớp, nhập điểm vào cột ĐQT trong phần mềm và nộp 1 bảng điểm tươi theo mẫu, có đầy đủ chữ ký, cho tổ Quản lý Ngoại ngữ không chuyên. Đồng thời giáo viên phải lưu lại 1 bản photo để đối chiếu sau này nếu cần. Trường căn cứ vào tình hình thực tế mỗi năm để quy định ĐQT bao gồm những thành phần điểm gì trong 3 loại điểm thành phần trên đây.
2. Điểm chuyên cần được tính như sau:
- Đối với cấp độ A1 & A2: sinh viên đi học đầy đủ được 100 điểm, cứ vắng học 1 tiết bị trừ 10 điểm. - Đối với cấp độ B: sinh viên đi học đầy đủ được 100 điểm, cứ vắng học 1,5 tiết bị trừ 10 điểm.
- Sinh viên tích cực tham gia xây dựng bài, xung phong phát biểu, tự giác học tập trên lớp được cộng điểm thưởng vào điểm chuyên cần. Tuy nhiên, điểm thưởng không được vượt quá 1/3 điểm chuyên cần của sinh viên đó và tổng của điểm thưởng và điểm chuyên cần không vượt quá 100 điểm.
3. Điểm tự học căn cứ trên bài tự học ở nhà giáo viên ra cho sinh viên, có thu bài và chấm. Giáo viên phải lưu bài tự học của sinh viên để làm các thủ tục cần thiết sau này.
4. Bài kiểm tra giữa kỳ do giáo viên tự tổ chức. Đề kiểm tra do giáo viên tự biên soạn, chủ yếu dựa vào các bài tập trong phần tự học ở nhà để kết hợp kiểm tra phần tự học của sinh viên. Bài kiểm tra giữa kỳ do giáo viên lưu giữ ít nhất 1 năm tính từ ngày kết thúc cấp độ.
5. Để sinh viên có đủ điều kiện dự thi, giáo viên phải dạy theo đúng tiến độ đề ra và nhập ngay điểm quá trình vào phần mềm ngay sau khi kết thúc cấp độ. Nếu giáo viên chậm trễ, sinh viên của lớp đó sẽ không đủ điều kiện dự thi và giáo viên phải chịu trách nhiệm chi phí một kỳ thi riêng cho lớp đó.
Điều 3. Điểm thi HCĐ để xác nhận sinh viên đã đạt cấp độ đó hay chưa. Tùy theo mỗi cấp độ mà cách tổ chức, thành phần, thang điểm đánh giá khác nhau.
1. Cấp độ A1 chỉ có kỳ thi HCĐ nhưng không cấp chứng chỉ.
2. Cấp độ A2 có kỳ thi HCĐ không cấp chứng chỉ dành cho sinh viên phải đạt chuẩn đầu ra là B1 và kỳ thi HCĐ cấp chứng chỉ (sau đây gọi là kỳ thi cấp chứng chỉ (CC)) dành cho sinh viên chỉ cần đạt chuẩn đầu ra là A2.
3. Cấp độ B1 không có kỳ thi HCĐ mà chỉ có kỳ thi cấp CC.
4. Điểm thi HCĐ A1, A2 gồm 2 thành phần: điểm thi kỹ năng nói và điểm thi các kỹ năng nghe, đọc, viết.
- Điểm thi kỹ năng nói tối đa 20 điểm. Trong buổi học cuối cùng của cấp độ, giáo viên tổ chức cho sinh viên thi kỹ năng nói. Đề thi do giáo viên tự biên soạn, chủ yếu dựa vào các chủ điểm nói trong các bài học tại lớp. Điểm thi công khai ngay cuối buổi thi. Giáo viên nhập điểm vào cột điểm Nói trong phần mềm và nộp 1 bảng điểm tươi theo mẫu, có đầy đủ chữ ký, cho tổ Quản lý Ngoại ngữ không chuyên. Đồng thời giáo viên phải lưu lại 1 bản photo để đối chiếu sau này nếu cần.
- Điểm thi các kỹ năng nghe, đọc, viết tối đa 80 điểm, trong đó nghe tối đa 20 điểm, đọc tối đa 30 điểm và viết tối đa 30 điểm. Ba kỹ năng này làm chung trong 1 bài thi có thời gian từ 60 đến 90 phút cho cấp độ A1, 90 phút cho cấp độ A2. Biên bản chấm thi gồm có 04 cột: 3 cột cho 3 kỹ năng và 1 cột tổng hợp.
- Điểm thi HCĐ được nhập vào phần mềm gồm có 5 cột: 4 cột cho 4 kỹ năng và 1 cột tổng hợp.
- Sinh viên đạt được cấp độ đó nếu không bị điểm liệt của mỗi kỹ năng (dưới ¼ số điểm tối đa của mỗi kỹ năng: nói và nghe dưới 5 điểm, đọc và viết dưới 8 điểm) và tổng điểm của 4 kỹ năng không dưới 50 điểm.
Điều 4. Kỳ thi cấp CC Ngoại ngữ không chuyên bao gồm có 2 cấp độ: cấp CC A2 dành cho sinh viên dân tộc ít người và sinh viên nước ngoài; cấp CC B1 cho tất cả những sinh viên còn lại.
1. Sinh viên dân tộc ít người và sinh viên nước ngoài cũng phải học cả 3 cấp độ và đủ các điều kiện như sinh viên bình thường mới được dự thi cấp CC A2. Để được dự thi cấp CC Ngoại ngữ không chuyên A2, trong 2 tuần đầu học cấp độ B1, sinh viên làm đơn xin thi cấp CC A2 theo mẫu, có xác nhận của trường quản lý sinh viên và nộp cho tổ Quản lý Ngoại ngữ không chuyên.
2. Đề thi cấp CC gồm có 4 phần cho 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Điểm tối đa của các kỹ năng như sau: nghe – 20 điểm, nói – 20 điểm, đọc – 30 điểm, viết – 30 điểm. Ba kỹ năng nghe, đọc, viết làm chung trên 1 bài thi có thời gian từ 90 đến 120 phút, kỹ năng nói thi riêng.
3. Điểm thi cấp CC được làm thành 2 biên bản: 1 biên bản cho thi kỹ năng nói và 1 biên bản cho 3 kỹ năng còn lại. Biên bản cho 3 kỹ năng còn lại gồm 4 cột, 3 cột cho 3 kỹ năng và 1 cột tổng hợp. Biên bản này có các chữ kỹ của 2 cán bộ coi thi (đối với biên bản thi nói) / 2 chữ ký của thư ký Hội đồng thi đọc điểm và ghi điểm (đối với thi 3 kỹ năng còn lại) và của Chủ tịch Hội đồng thi. Bảng điểm này được lưu giữ vĩnh viễn.
4. Điểm thi cấp CC được nhập vào phần mềm gồm 5 cột: 4 cột cho 4 kỹ năng và 1 cột tổng hợp.
5. Sinh viên đủ điều kiện cấp CC nếu không bị điểm liệt của mỗi kỹ năng (dưới 1/3 số điểm tối đa của mỗi kỹ năng: nói và nghe dưới 7 điểm, đọc và viết dưới 10 điểm) và tổng điểm của 4 kỹ năng không dưới 50 điểm.
Điều 5. Điều kiện để đăng ký học cấp độ, dự thi HCĐ, dự thi cấp CC.
1. Đối với ngoại ngữ bắt buộc kiểm tra đầu vào, sinh viên phải kiểm tra đầu vào, có kết quả xếp cấp độ mới được đăng ký lớp học phần theo đúng cấp độ đã được xếp.
2. Đối với ngoại ngữ được chọn kiểm tra đầu vào hay không: nếu chọn kiểm tra đầu vào, sinh viên phải kiểm tra mới được xếp cấp độ để học; nếu không chọn kiểm tra đầu vào, sinh viên được xếp học cấp độ A1.
3. Đối với ngoại ngữ không tổ chức kiểm tra đầu vào, sau khi chọn ngoại ngữ xong, sinh viên được xếp học cấp độ A1.
4. Sinh viên học xong cấp độ thấp, nếu đạt ĐQT từ 50 điểm trở lên, nộp đầy đủ học phí của cấp độ đó và không vi phạm kỷ luật gì trong thời gian học cấp độ đó, đủ điều kiện đăng ký học cấp độ cao hơn.
5. Sinh viên đủ điều kiện dự thi hết một cấp độ nếu:
- Đạt ĐQT của cấp độ đó từ 50 điểm trở lên;
- Nộp đầy đủ học phí của cấp độ đó;
- Không vi phạm kỷ luật trong thời gian học cấp độ đó tính cho đến ngày thi.
6. Sinh viên đủ điều kiện dự thi cấp CC Ngoại ngữ không chuyên A2 nếu:
- Đã đạt cấp độ A1;
- Đã đạt ĐQT cấp độ B1 từ 50 điểm trở lên;
- Đã nộp đủ học phí của cấp độ B1;
- Không vi phạm kỷ luật gì trong thời gian học cấp độ B1;
- Đã có đơn xin dự thi cấp CC A2 có xác nhận của trường quản lý sinh viên (theo mẫu);
- Đã nộp đầy đủ lệ phí dự thi cấp CC Ngoại ngữ không chuyên A2.
7. Sinh viên đủ điều kiện dự thi cấp CC Ngoại ngữ không chuyên B1 nếu:
- Đã đạt cấp độ A1 và A2;
- Đã đạt ĐQT cấp độ B1 từ 50 điểm trở lên;
- Đã nộp đủ học phí của cấp độ B1;
- Không vi phạm kỷ luật gì trong thời gian học cấp độ B1;
- Đã có đơn xin dự thi cấp CC B1 (theo mẫu);
- Đã nộp đầy đủ lệ phí dự thi cấp CC Ngoại ngữ không chuyên B1.
Điều 6. Phạm vi áp dụng.
Quy định này áp dụng cho tất cả các ngoại ngữ không chuyên và các lớp ngoại ngữ không chuyên cấp chứng chỉ dành cho sinh viên đại học và cao đẳng chính quy khóa tuyển sinh đại học 2013 của Đại học Huế kể từ năm học 2013-2014. Các điều khoản của các hướng dẫn, quy định trước đây trái với quy định này đều bị bãi bỏ.
HIỆU TRƯỞNG
Trần Văn Phước (đã ký)