Đăng nhập
HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ KHÔNG CHUYÊN DÀNH CHO SINH VIÊN NĂM THỨ NHẤT ĐẠI HỌC HUẾ TẠI TRƯỜNG ĐH NGOẠI NGỮ [29/08/2013]

HƯỚNG DẪN

Tổ chức dạy và học ngoại ngữ không chuyên cấp chứng chỉ cho sinh viên đại học, cao đẳng chính quy của các trường / khoa thành viên Đại học Huế

______________________________

 

            Ngày 26 tháng 7 năm 2013 Giám đốc Đại học Huế đã ký Quyết định số 1206/QĐ-ĐHH ban hành Quy định dạy và học ngoại ngữ không chuyên cấp chứng chỉ trong các chương trình đào tạo chính quy trình độ đại học, cao đẳng tại Đại học Huế. Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế (ĐHNN-ĐHH) được giao nhiệm vụ chính trong việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ không chuyên này. Nay trường ĐHNN-ĐHH ban hành Hướng dẫn Tổ chức dạy và học ngoại ngữ không chuyên cấp (NNKC) chứng chỉ cho sinh viên đại học, cao đẳng chính quy của các trường / khoa thành viên Đại học Huế nhằm làm cụ thể hơn một số vấn đề trong phạm vi của mình.

1. Ngoại ngữ được đào tạo

- Trường ĐHNN-ĐHH cho sinh viên ngay từ đầu khóa học được chọn một trong các ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Nga để học NNKC. Việc lựa chọn này thực hiện online. Tuy nhiên, sau khi đã duyệt danh sách đăng ký ngoại ngữ trên phần mềm, sinh viên không được đổi lại ngoại ngữ khác. Vì vậy, sinh viên phải cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn.

- Một số ngành đào tạo đã quy định ngoại ngữ chuyên ngành nên NNKC cũng bắt buộc là ngoại ngữ đó. Sinh viên phải nắm được chương trình đào tạo của mình có quy định NNKC không để đăng ký đúng ngoại ngữ ngoại ngữ đó.

2. Các đối tượng được ưu tiên hạ chuẩn

Sinh viên đại học, cao đẳng là dân tộc ít người vẫn học các cấp độ NNKC như những sinh viên khác. Tuy nhiên, những sinh viên này phải nộp giấy xác nhận là dân tộc ít người do trường quản lý sinh viên cấp ngay trong 2 tuần đầu của học kỳ học cấp độ B1 để được bố trí thi và cấp chứng chỉ cấp độ A2.

3. Văn bằng và chứng chỉ công nhận trình độ ngoại ngữ thay thế

Ngoài các chứng chỉ cho Tiếng Anh đã được chỉ ra trong Quy định nêu trên, Trường ĐHNN-ĐHH còn xét để công nhận các chứng chỉ quốc tế cho các ngoại ngữ khác. Cụ thể là:

3.1. Chứng chỉ quốc tế cho tiếng Pháp:

- Chứng chỉ DELF (Diplôme d’études en langue française)

DELF do Trung tâm Nghiên cứu Sư phạm Quốc tế Sèvres – Pháp (Centre International  d’Etudes Pédagogiques de Sèvres) thiết kế và quản lý.

DELF là văn bằng chính thức của Bộ Giáo Dục Pháp, tương thích với Khung quy chiếu chung châu Âu (CECR). Văn bằng DELF có giá trị vĩnh viễn.

3.2. Chứng chỉ quốc tế cho tiếng Trung:

Chứng chỉ TOCFL (Test of Chinese as a Foreign Language)“K thi năng lực Hoa ngữ”, gọi tắt là “K thi Hoa ngữ”, do “Ủy ban Công tác Thúc đẩy Hoa ngữ Quốc gia” (gọi tắt là Ủy ban k thi Hoa ngữ) sáng lập, Ủy ban này do Bộ Giáo dục Đài Loan thành lập.

3.3. Chứng chỉ quốc tế cho tiếng Nhật:

          Chứng chỉ JLPT (Japanese Language Proficiency Test) (Năng lực Nhật ngữ) do Quỹ  Giao Lưu Quốc Tế Nhật Bản và Hiệp hội Hỗ trợ giáo dục quốc tế Nhật Bản (Cũ: Hiệp hội giáo dục quốc tế Nhật Bản) cấp.

3.4. Chứng chỉ quốc tế cho tiếng Hàn:

Chứng chỉ TOPIK (Test of Proficiency in Korean) do Viện Giáo dục Quốc tế Hàn Quốc cấp, có giá trị 2 năm kể từ ngày cấp.

Trường ĐHNN - ĐHH sẽ ban hành các văn bản quy định cấp độ/ điểm tương đương với các cấp độ: 1/6 (A1), 2/6 (A2), 3/6 (B1), 4/6 (B2) cho các NNKC. Sinh viên có các chứng chỉ quốc tế đã được Đại học Huế và trường Đại học Ngoại ngữ công nhận, đang còn trong thời gian có giá trị, làm đơn theo mẫu và kèm theo bản photo có công chứng của chứng chỉ, nộp tại tổ Quản lý NNKC, phòng Đào tạo, trường Đại học Ngoại ngữ để được xét miễn học các cấp độ hoặc cấp chứng chỉ 3/6 (B1) của trường ĐHNN – ĐHH.

4. Nội dung chương trình, tài liệu học tập

4.1. Nội dung chương trình:

Trường ĐHNN – ĐHH xây dựng chương trình chung để dạy NNKC cho 06 ngoại ngữ nói trên. Mỗi ngoại ngữ đều được xây dựng 03 cấp độ cơ bản 1, 2, 3 tương ứng với 03 cấp độ 1/6 (A1), 2/6 (A2), 3/6 (B1). Các học phần này kết hợp với tên ngoại ngữ tạo thành tên các học phần cụ thể, ví dụ như: Tiếng Anh A1, Tiếng Anh A2, v.v.. Thời lượng cho các cấp độ như sau:

 

Bậc

Số tín chỉ

Giờ lên lớp

Giờ tự học có hướng dẫn

1/6 (A1)

02

30

90

2/6 (A2)

02

30

90

3/6 (B1)

03

45

135

Tổng cộng

07

105

315

 

Nội dung học trên lớp và nội dung tự học có hướng dẫn được quy định rõ trong giáo trình giảng dạy chính và đề cương chi tiết học phần. Cả hai nội dung này đều được đánh giá trong kết quả học phần.

Điều kiện tiên quyết để vào học Tiếng Anh A1 là phải dự thi đầu vào và đạt được mức điểm đủ để học cấp độ này. Các cấp độ A1 của các ngoại ngữ khác không đòi hỏi điều kiện tiên quyết này.

Học phần cấp độ A1 là học phần học trước của học phần cấp độ A2 và học phần cấp độ A2 là học phần học trước của học phần cấp độ B1, có nghĩa là sinh viên phải học xong A1 mới được học A2 và phải học xong A2 mới được học B1. Lưu ý đây là học phần học trước chứ không phải học phần tiên quyết nên sinh viên học xong, dù chưa có kết quả thi, vẫn có quyền học tiếp học phần cấp độ cao hơn.

Sinh viên trường ĐHNN – ĐHH sau khi học xong NNKC sẽ học tiếp 03 học phần Ngoại ngữ 2 Tổng hợp gồm 7 tín chỉ theo đúng ngoại ngữ đã học ở NNKC. Riêng đối với khoa Việt Nam học, sinh viên nào thi tuyển sinh đại học khối D1 sẽ bắt đầu học tiếng Anh từ các học phần Nghe 1, Nói 1, Đọc 1, Viết 1, những sinh viên thi tuyển sinh đại học các khối còn lại sẽ học 03 học phần NNKC như sinh viên Đại học Huế nhưng không thi lấy chứng chỉ B1 mà thi lấy điểm từng học phần để tính kết quả học tập. Tùy theo điều kiện cụ thể, số sinh viên này sẽ học riêng hoặc học chung cùng với sinh viên các ngành khác.

4.2. Tài liệu học tập:

Trường ĐHNN – ĐHH sẽ cung cấp cho sinh viên đề cương chi tiết học phần, danh mục giáo trình giảng dạy chính, tài liệu tham khảo của cấp độ đang theo học cũng như các hướng dẫn khác có liên quan đến nội dung chương trình, kiểm tra đanh giá, .v.v. Giáo viên và sinh viên liên hệ với tổ Quản lý Ngoại ngữ không chuyên để được cung cấp các thông tin cần thiết.

Giáo trình giảng dạy chính do trường ĐHNN – ĐHH giữ bản quyền in nội bộ để phục vụ cho sinh viên của Đại học Huế với giá thấp có đóng dấu của Trường. Trường không chấp nhận cho sinh viên sử dụng tại lớp bản photo lại vì vi phạm bản quyền đối với nhà xuất bản. Tất cả tài liệu học tập đều có bán trong nhà sách của Trường tại tầng 1 nhà C.

Ngoài nhà sách, Trường ĐHNN – ĐHH còn có Thư viện và phòng Đọc trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng ngôn ngữ và văn hóa tại tầng 1 nhà A. Sinh viên liên hệ với bộ phận này để làm thủ tục mượn hoặc đọc tại chỗ tài liệu học tập theo quy định.

5. Tổ chức dạy và cấp chứng chỉ

5.1. Thông tin về hoạt động dạy và cấp chứng chỉ:

Trường ĐHNN – ĐHH lập một trang web riêng để quản lý việc dạy và cấp chứng chỉ. Trang web này có tên là QUẢN LÝ NGOẠI NGỮ KHÔNG CHUYÊN và địa chỉ là flts.hueuni.edu.vn. Mọi thông tin về tổ chức dạy và cấp chứng chỉ cho sinh viên đều được thông báo trên mục thông báo của trang web này. Ngoài ra những thông tin quan trọng về hoạt động này như kế hoạch năm học, kế hoạch thi v.v. còn được đăng tải trên trang web của trường ĐHNN tại địa chỉ: http://hucfl.edu.vn, mục Tin tức tổng hợp/Thông báo không chuyên và Kết quả thi không chuyên. Sinh viên phải thường xuyên vào 02 trang web này để cập nhật thông tin. Sinh viên phải đọc kỹ các thông báo hướng dẫn thực hiện các nội dung có liên quan và làm theo hướng dẫn để tránh những sai sót không đáng có sau này.

5.2. Tài khoản học NNKC của sinh viên:

Mỗi sinh viên đại học/ cao đẳng chính quy năm thứ nhất của Đại học Huế từ khóa tuyển sinh 2013 (trừ sinh viên trường Đại học Y Dược từ khóa tuyển sinh 2014) đều được cấp 01 tài khoản để học NNKC. Tên tài khoản này chính là Mã sinh viên của sinh viên đó. Để được cấp mật khẩu của tài khoản này sinh viên vào trang web QUẢN LÝ NGOẠI NGỮ KHÔNG CHUYÊN, chọn đăng ký tài khoản, khai đúng các thông tin cần thiết theo yêu cầu và sẽ được cấp mật khẩu để đăng nhập vào tài khoản của mình. Mật khẩu này chỉ được cấp 1 lần. Nếu sinh viên đã thực hiện đầy đủ các bước trên mà không lấy được mật khẩu hoặc quên mật khẩu phải mang theo thẻ sinh viên và chứng minh nhân dân liên hệ tổ Quan lý NNKC để được cấp lại mật khẩu mới.

Sau khi được cấp mật khẩu, sinh viên đăng nhập vào tài khoản và thay đổi mật khẩu vừa được cấp, kê khai các thông tin cần thiết, đặc biệt là số điện thoại để liên hệ trong các trường hợp cần thiết, kiểm tra lại các thông tin cá nhân như họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, ngành học, .v.. Nếu có sai sót, sinh viên mang các giấy tờ cần thiết, liên hệ tổ Quản lý NNKC để điều chỉnh.

Trong tài khoản của mình sinh viên có thể nắm được các thông tin sau: các ngoại ngữ được chọn để đăng ký học, lịch kiểm tra đầu vào và phòng thi, kết quả kiểm tra đầu vào, thời khóa biểu các lớp học phần để đăng ký học, lịch thi hết học phần, kết quả thi hết học phần, lịch thi cấp chứng chỉ, .v.v.

Sinh viên sử dụng tài khoản của mình để thực hiện các nhiệm vụ chính sau: đăng ký học ngoại ngữ gì, đăng ký kiểm tra đầu vào, đăng ký lớp học phần, theo dõi lịch thi, danh sách dự thi, phòng thi để dự thi, nắm kết quả thi và các thông báo có liên quan. 

5.3. Đăng ký học ngoại ngữ:

Sau khi đăng nhập được vào tài khoản của mình, sinh viên tiến hành chọn ngoại ngữ để học và đăng ký. Có 06 ngoại ngữ để sinh viên lựa chọn. Trước khi chọn ngoại ngữ sinh viên phải tìm hiểu chương trình học của ngành mình xem NNKC có bắt buộc học ngoại ngữ nào không, ngoại ngữ chuyên ngành sau này là ngoại ngữ gì để chọn NNKC là ngoại ngữ đó. Sinh viên phải đăng ký học ngoại ngữ mới có thể đăng ký thi đầu vào hoặc đăng ký lớp học phần sau này. Nếu hết thời hạn đăng ký mà chưa đăng ký, sinh viên đó được xem là chưa lên kế hoạch học NNKC trong học kỳ này và phải chờ đến học kỳ tiếp theo mới có thể đăng ký được. Trường ĐHNN – ĐHH khuyến cáo sinh viên đăng ký học NNKC theo đúng kế hoạch dành cho khóa ngành của mình và đã được thống nhất giữa trường quản lý sinh viên và trường ĐHNN để được ưu tiên điều kiện học tốt hơn. Trường ĐHNN không chịu trách nhiệm giải quyết các trường hợp đăng ký riêng lẽ không theo kế hoạch chung và sinh viên phải tự sắp xếp kế hoạch học tập của mình.

5.4. Đăng ký và tổ chức kiểm tra đầu vào, xếp cấp độ, đăng ký lớp học phần:

 Sau khi đăng ký học ngoại ngữ, sinh viên tiếp tục đăng ký kiểm tra đầu vào. Sinh viên đăng ký học tiếng Anh bắt buộc phải đăng ký kiểm tra đầu vào. Sinh viên đăng ký học các ngoại ngữ khác có thể đăng ký kiểm tra đầu vào tùy thuộc vào kế hoạch năm đó có tổ chức kiểm tra đầu vào cho ngoại ngữ đó hay không. Kế hoạch này sẽ được thông báo cụ thể vào đầu mỗi năm học. Sau khi đăng ký kiểm tra đầu vào xong sinh viên theo dõi ở mục thông báo và trong tài khoản của mình trên trang web để biết được lịch kiểm tra, phòng và danh sách kiểm tra. Sinh viên khi đi kiểm tra đầu vào phải đóng lệ phí theo quy định của trường ĐHNN.

Kết quả kiểm tra đầu vào được sử dụng để xếp cấp độ cho sinh viên. Để có thể học cấp độ A1, sinh viên phải đạt được mức điểm theo quy định. Sinh viên cũng có thể được miễn học các cấp độ A1 và A2 nếu đạt mức điểm cao hơn. Tất cả các mức điểm này phụ thuộc vào từng đề thi cụ thể và được quy định đầu mỗi kỳ thi.

Bài kiểm tra đầu vào cho tiếng Anh làm trong thời gian 60 phút và có thể làm trên giấy hoặc làm online. Điều này phụ thuộc vào điều kiện của Trường ĐHNN nhưng đảm bảo mức độ khó giống nhau và lệ phí giống nhau.

Sinh viên muốn thi chứng chỉ B1 mà không qua quá trình học tập trước hết phải kiểm tra đầu vào và đạt điểm được miễn học cấp độ A2. Sau đó sinh viên đăng ký thi B1 và được tổ chức một kỳ thi cấp chức chỉ B1 riêng với lệ phí cao hơn.

Sau khi có kết quả kiểm tra đầu vào, sinh viên được công bố cấp độ mà mình phải theo học. Sinh viên đăng ký học các lớp học phần theo đúng cấp độ của mình.

Các lớp NNKC của trường ĐHNN – ĐHH mở ra cho tất cả sinh viên của Đại học Huế đã đủ điều kiện đăng ký học tập. Các lớp được mở ra cả 03 buổi trong ngày: sáng, chiều và tối. Có một số lớp được mở ra dành riêng cho một số ngành của một số trường vì những ngành này trong học kỳ đó có các kế hoạch khác như đi học quân sự, thực tế, thực tập nên không thể học liên tục. Sinh viên những ngành khác không thể đăng ký vào các lớp học phần này vì kế hoạch học tập khác nhau. Thông tin về những nhóm này sẽ được đăng tải trên mục thông báo của trang web. Trước khi đăng ký lớp học phần sinh viên phải đọc kỹ những thông báo này để đăng ký được chính xác.

5.5. Tổ chức dạy học:

Các lớp học NNKC được bố trí học 3-4 tiết / tuần đối với các học phần 02 tín chỉ và 4-6 tiết / tuần đối với học phần 03 tín chỉ. Vì vậy thời gian học một học phần chỉ còn trong khoảng 8-12 tuần. Các lớp học phần NNKC được bắt đầu muộn hơn so với kế hoạch học của sinh viên ở trường của mình để sinh viên có thể sắp xếp thời gian một cách thuận lợi nhất. Các lớp học ban ngày được bố trí ở nhà A (ở trên đồi), các lớp học buổi tối được bố trí ở cả nhà A và nhà B (nhà chính giữa). Các phòng học trong phần mềm được đánh số như sau: AI.1, BII.3, .v.v. trong đó A, B là tên tòa nhà, I, II là tầng và 1, 2, 3 là phòng. Phòng làm việc của tổ Quản lý NNKC để tiếp và giải quyết các vấn đề của sinh viên nằm ở trước nhà bảo vệ cổng 57 Nguyễn Khoa Chiêm.

Thời gian các tiết học trong ngày như sau:

 

Buổi

TIẾT

THỜI GIAN DẠY

GHI CHÚ

 

 

Sáng

1

7h00 – 7h50

Giải lao 05 phút

2

7h55 – 8h45

Giải lao 05 phút

3

8h50 – 9h40

Giải lao 10 phút

4

9h50 – 10h40

Giải lao 05 phút

5

10h45 – 11h35

 

 

Chiều

6

13h00 – 13h50

Giải lao 05 phút

7

13h55 – 14h45

Giải lao 10 phút

8

14h55 – 15h45

Giải lao 05 phút

9

15h50 – 16h40

 

 

Tối

10

18h00 – 18h50

Giải lao 05 phút

11

18h55 – 19h45

Giải lao 05 phút

12

19h50 – 20h40

 

 

Để theo học các lớp NNKC sinh viên phải nắm được đề cương chi tiết học phần (do giáo viên cung cấp), có giáo trình giảng dạy chính kèm theo đĩa ghi âm và các tài liệu tham khảo (mua tại nhà sách).

Sinh viên sắp xếp thời gian để đảm bảo 1 tiết lên lớp phải kèm theo 3 tiết tự học mở nhà. Nội dung tự học ở nhà được quy định rõ trong tài liệu học tập và được giáo viên hướng dẫn trước cũng như kiểm tra kết quả tự học của sinh viên sau đó.

Trong quá trình học sinh viên sẽ được đánh giá điểm Quá trình học tập (QTHT) và điểm Học phần. Điểm QTHT bao gồm các mặt đánh giá chuyên cần (đến lớp đầy đủ và ý thức học tập, xây dựng bài), tự học (chuẩn bị bài ở nhà, làm bài tập ở nhà và được chấm hoặc trình bày trên lớp) và kiểm tra giữa học kỳ. Điểm quá trình là điều kiện để sinh viên dự thi hết học phần. Chỉ những sinh viên đạt tối thiểu 50% tổng điểm QTHT mới được dự thi hết học phần. Điểm Học phần là kết quả của bài thi hết học phần. Bài thi này có thể bao gồm cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết hoặc chỉ bao gốm 3 kỹ năng: nghe, đọc, viết tùy theo từng cấp độ. Điểm học phần của một cấp độ phải đạt đến một mức độ nhất định mới được công nhận là đạt cấp độ đó.

Trước khi kết thúc học phần, giáo viên có nhiệm vụ công bố công khai trước lớp điểm QTHT và danh sách sinh viên đủ điều kiện dự thi hết học phần. Mọi thắc mắc của sinh viên về điểm QTHT và điều kiện dự thi, nếu có, phải được giải quyết tại buổi học này. Trường ĐHNN – ĐHH không giải quyết bất kỳ trường hợp nào sau đó.

5.6. Tổ chức thi:

Sau khi kết thúc học phần, sinh viên theo dõi trên trang web  và trong tài khoản của mình để nắm các thông tin về lịch thi, phòng thi, danh sách dự thi và thực hiện theo đúng lịch thi đó. Nếu có thắc mắc về lịch thi và danh sách dự thi, sinh viên liên hệ tổ Quản lý NNKC chậm nhất là 02 ngày trước ngày thi.

Sinh viên vắng thi có lý do chính đáng theo quy định như: đau ốm có giấy của bệnh viện, tang gia có giấy xác nhận của chính quyền địa phương (có thể nộp sau ngày thi, nhưng không được muộn quá 02 tuần), .v.v.. sẽ được thi lại lần 2. Các trường hợp vắng thi không có lý do chính đáng sẽ không được dự thi lần 2 và phải học lại học phần này. Các trường hợp thi hết học kỳ không đạt cũng không được thi lại lần 2 mà phải học lại. Sinh viên thi lại lần 2 phải làm đơn và nộp lệ phí theo quy định.

Điều kiện để sinh viên dự thi hết học phần A1 và A2 là điểm QTHT của học phần đó. Điều kiện để sinh viên dự thi cấp chứng chỉ B1 ngoài điểm QTHT của học phần B1 sinh viên còn phải đạt được cấp độ A1 và A2.

Những sinh viên thuộc nhóm đối tượng chuẩn đầu ra NNKC cấp độ A2 khi dự thi cấp chứng chỉ A2 phải đảm bảo 2 điều kiện là điểm QTHT của học phần và đạt cấp độ A1.

Sinh viên dự thi cấp chứng chỉ phải nộp lệ phí thi theo quy định.

Đề thi của kỳ thi cấp chứng chỉ B1 (hoặc A2 cho nhóm đối tượng ưu tiên) gồm 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo đúng khung năng lực ngoại ngữ được quy định trong đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.

5.7. Cấp chứng chỉ:

Sau khi sinh viên đạt cấp độ B1, trường ĐHNN – ĐHH sẽ in và cấp chứng chỉ cho sinh viên đồng thời gửi danh sách sinh viên đã đạt cấp độ B1 cho các trường. Sinh viên đến nhận chứng chỉ B1 phải mang theo giấy tờ tùy thân (thẻ sinh viên, giấy chứng minh nhân dân, thẻ dự thi B1) và nộp lệ phí in chứng chỉ theo quy định. Các trường hợp nhận thay phải có giấy ủy quyền có xác nhận của cơ quan hoặc chính quyền địa phương.

6. Phạm vi áp dụng

Việc tổ chức dạy và học NNKC như trên áp dụng với sinh viên đại học và cao đẳng chính quy của Đại học Huế từ khóa tuyển sinh đại học 2013 trở đi (đối với sinh viên trường Đại học Y Dược là từ khóa tuyển sinh 2014). Đối với sinh viên đại học và cao đẳng chính quy của các khóa tuyển sinh đại học 2012 trở về trước, kể cả sinh viên học lại, học cải thiện điểm, (đối với trường Đại học Y Dược là khóa tuyển sinh đại học 2013 trở về trước) vẫn áp dụng việc dạy và học NNKC như cũ.

Trên đây là hướng dẫn những vấn đề cơ bản nhất để tổ chức dạy và học ngoại ngữ không chuyên cấp chứng chỉ cho sinh viên đại học, cao đẳng chính quy của các trường / khoa thành viên Đại học Huế từ năm học 2013. Kính đề nghị lãnh đạo các trường / khoa thành viên Đại học Huế cho phổ biến hướng dẫn này cho tất cả sinh viên năm thứ nhất và các đơn vị, cá nhân có liên quan./.

                                                                                                               

Nơi nhận:

-…………;

- ...............;

- Lưu: VT, ...(3)...  

HIỆU TRƯỞNG

               Trần Văn Phước (đã ký)